Just another WordPress site

Kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi

Vùng ĐBSCL có thể trồng bưởi được quanh năm nhưng phải bảo đảm được nước tưới và tiêu nước cho cây. Tốt nhất là trồng bưởi vào đầu mùa mưa. Mời bạn đọc theo dõi bài viết để nắm được chính xác kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi.

Nội dung trong bài viết

Yêu cầu sinh thái

– Nhiệt độ: Bưởi có nguồn gốc nhiệt đới và Á nhiệt đới, có thể sinh trưởng được từ 40 vĩ độ Bắc đến 40 vĩ độ Nam, nhiệt độ thích hợp nhất từ 23 – 29°C.

– Ánh sáng: Cường độ ánh sáng thích hợp là 10.000 – 15.000 lux (tương đương nắng sáng lúc 8 giờ hoặc nắng chiều lúc 16 giờ). Trong điều kiện miền Nam, khi trồng bưởi cần trồng cây che bóng hướng Đông – Tây.

– Nước: Cây bưởi cần nhiều nước trong thời kỳ ra hoa kết trái và thời kỳ cây con, nhưng cây cũng rất sợ ngập úng. Ẩm độ đất thích hợp nhất là 70 – 80%, lượng mưa khoảng 1.000 – 2.000mm/năm. Trong mùa nắng cần phải tưới nước cho cây, nhưng nước tưới không được mặn quá 3‰.

– Đất đai: Đất trồng phải có tầng canh tác dày ít nhất là 0,6m, thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, có hàm lượng hữu cơ cao > 3%, pH từ 5,5 – 7, nhiễm mặn không quá 3‰, mực nước ngầm dưới 0,8m.

Chuẩn bị đất trồng

ĐBSCL khi trồng bưởi cần phải đào mương lên líp để xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác; hàng năm thường có lũ vào tháng 9-11 dương lịch nên vườn cần phải thiết kế bờ bao để bảo vệ cây trồng.

– Trồng cây chắn gió: Nên trồng cây chắn gió trên bờ bao của vườn bằng các loại cây như mít, xoài, dừa,…

– Khoảng cách trồng: Tùy theo giống và vùng đất trồng mà khoảng cách trồng thay đổi cho phù hợp, có thể là 5 x 6m hay 6 x 6m hoặc 6 x 7m.

– Trồng cây che mát: Bưởi thích hợp ánh sáng tán xạ, vì vậy nên trồng cây che mát như: mận, mãng cầu, so đũa, cau,… Cây che mát thường được trồng xen giữa 2 hàng cây bưởi hoặc dọc theo mương.

– Giống trồng: Tùy vào vùng đất, khí hậu và nhu cầu tiêu thụ mà chọn giống trồng cho thích hợp. ĐBSCL có thể trồng các giống như: bưởi da xanh, bưởi Năm roi, bưởi lông cổ cò, bưởi thanh trà,… Việc trồng cây bưởi sạch bệnh đang được khuyến cáo, nên tìm mua giống ở Cái Mơn là nơi đáng tin cậy (nơi chuyên sản xuất các giống cây ăn trái, cung cấp cho cả nước).


Xới gốc vườn Bưởi

Xới gốc vườn Bưởi

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Thời vụ trồng: Vùng ĐBSCL có thể trồng được quanh năm nhưng phải bảo đảm được nước tưới và tiêu nước cho cây. Tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa.

Chuẩn bị đất mô trồng: Ở ĐBSCL nên đắp mô để trồng, mục đích là nâng cao tầng canh tác, đất làm mô thường là đất mặt hoặc đất bùn mương để khô, mô có đường kính khoảng 80 – 100cm; cao tùy vào độ cao của đất, giữa mô nên đào hố có kích thước 0,6 x 0,6m; sau đó cho vào hố 20 – 40 kg phân chuồng + 1kg super lân + 0, 5kg vôi trộn đều với đất.

Phương pháp đặt cây con:

+ Khi trồng đặt cây xuống giữa mô, đặt bầu ngang mặt mô, lấp đất lại bằng mặt mô, cắm cọc giữ cây tránh gió làm lung lay, tưới nước cho cây.

+ Nếu trồng bằng cây ghép nên xoay mắt ghép về hướng gió chính trong năm để tránh hiện tượng tách chồi do gió. Nêu trồng bằng cành chiết, nên đặt cành nghiêng so với mặt đất một góc khoảng 45° để giúp cây phân cành tốt.

Tủ gốc giữ ẩm: Trong mùa nắng cần phải tủ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô để giữ ẩm, đồng thời cũng hạn chế cỏ dại. Chú ý khi tủ phải chừa cách gốc khoảng 20cm để hạn chế các loại nấm bệnh tấn công gốc.

Tưới và tiêu nước: Bưởi rất cần nước trong thời kỳ cây con và thời kỳ cây ra hoa đậu trái, nhưng cây rất sợ bị ngập úng, do đó cần phải chú ý thoát nước cho cây trong mùa mưa lũ.

Vét bùn bồi líp: Công việc bồi bùn lên líp có thể kết hợp với việc tạo khô hạn để xử lý ra hoa; có thể bồi vào khoảng tháng 2 – 3 dương lịch hoặc sau mùa mưa, lớp bùn dày khoảng 2 – 3cm là tốt nhất. Thời gian bồi bùn nên 2 năm bồi một lân.