Just another WordPress site

Kỹ thuật trồng sung Mỹ ở Việt Nam

Cây Sung Mỹ được du nhập vào Việt Nam không lâu so với những loại cây trồng khác. Thời gian thuần hóa chưa lâu nên bà cần nắm kỹ thuật trồng sung Mỹ ở Việt Nam

Nội dung trong bài viết

  • Thổ nhưỡng Việt Nam có phù hợp với sung Mỹ
  • Chuẩn bị đất trồng sung Mỹ
  • Phân bón lót trước khi trồng sung Mỹ
  • Bón thúc cho sung Mỹ
  • Đặt trồng cây giống
  • Tỉa cành, tạo dáng cho Sung Mỹ – trồng thu hoạch quả
  • Sung Mỹ làm Bonsai
  • Sâu bệnh của cây Sung Mỹ
  • Các phương pháp nhân giống sung Mỹ
    • Nhân giống sung Mỹ bằng cách nuôi cấy mô
    • Phương pháp nhân giống sung Mỹ bằng cách chiết cành
    • Phương pháp nhân giống sung Mỹ bằng cách giâm cành
    • Phương pháp nhân giống sung Mỹ bằng cách ghép mắt
  • Thu hoạch sung Mỹ
  • Chế biến Sung mỹ
Kỹ thuật trồng sung mỹ ở Việt Nam
Kỹ thuật trồng sung mỹ ở Việt Nam

Thổ nhưỡng Việt Nam có phù hợp với sung Mỹ

Cây Sung Mỹ đã qua 1 giai đoạn dài thuần hóa (5 năm) và thích nghi ở miền Nam nên sự tăng trưởng của nó rất mạnh, đặc biệt là được ghép trên gốc Sung ta (Ficus tinctoria). Do được ghép trên Sung ta nên nó phát triến phù hợp ở mọi loại đất khác nhau như đất đỏ Bazan, đất cát pha, đất thịt; thậm chí đất thấp hơi phèn với điều kiện là mùa mưa phải thoát nước, mùa nắng cần tưới tăng cường mỗi tuần một lần (đối với cây một năm tuổi).

Chuẩn bị đất trồng sung Mỹ

Sau khi đã chuẩn bị dọn đất xong, cần căng dây cắm cọc để đào lỗ, mật độ trồng có thể 3 x 4m hoặc thường là 3 x 3m, như vậy 1 ha trồng được gần 1000 cây, lỗ được đào theo quy cách 50 x 50 x 50cm.

Phân bón lót trước khi trồng sung Mỹ

Bón lót trước khi trồng sung Mỹ, mỗi hố gồm:

  • 15 kg phân hữu cơ hoai
  • 100 gr urê
  • 50gr lân

Các phân hữu cơ và vô cơ trộn đều trong hố trước khi đặt cây giống một tuần lễ.

Bón thúc cho sung Mỹ

  • Phân hữu cơ: 20kg/l lần/năm.
  • Phân vô cơ (chia làm 3 lần/năm): + Urê: 150gr + Lân: 100gr + Kali: 150gr

Vào các năm sau liều lượng phân bón cũng như thế nhưng có thể gia tăng phân hữu cơ thành 30 kg/1 năm và urê 200gr/năm, kali 150gr/năm.

Đặt trồng cây giống

Khi cây ghép cao được 40 – 50cm (thường 4 – 5 tháng sau khi ghép thì cây đạt được chiều cao này). Các cây ghép được di chuyển đến địa điểm trồng (các cây Sung ghép thường được ươm trong các túi nylon đen 19 x 30cm). Trước khi trồng cần xé bỏ túi nylon, nếu rễ gốc ghép chui ra ngoài túi quá dài thì có thể dùng kéo cất tỉa ngắn bớt, moi hỗn hợp đất phân trong lỗ vừa bằng túi ươm cây Sung, đặt cây giống giữa lỗ, lấp hỗn hợp đất phân lại, ấn chặt xung quanh túi ươm, bề mặt túi ươm ngang bằng lỗ trồng (để tránh đọng nước ở gốc vào mùa mưa khi cây còn nhỏ dẫn đến úng cây).

Mặc dù đặt giống trồng vào mùa mưa nhưng khi trời nắng kéo dài 3-5 ngày thì cần tưới nước thêm.

Quả sung mỹ chín
Quả sung mỹ chín

Cây Sung Mỹ ghép trên gốc ghép Sung ta có thể trồng dọc theo bờ đê, dọc theo hai bên mép mương vì gốc ghép Sung ta phát triển mạnh ở nơi có nước ẩm, ướt.

Tỉa cành, tạo dáng cho Sung Mỹ – trồng thu hoạch quả

Khi cây Sung cao được 1,9 – 2m, nên bấm ngọn lần đầu để nó phân cành. Chúng ta nên tạo đáng cho cây ngay từ năm thứ nhất, thường thì đế từ 3 – 5 cành chính. Tuổi thọ của cây Sung rất cao từ 30 – 50 năm, chiều cao cây từ 5 – 7m và tán cây 7 – 8m, nên mật độ trồng 3 x 3m là dày; sau năm thứ hai, chúng ta có thể bứng chuyển một số cây đi nơi khác để tạo thông thoáng và có ánh nắng mặt trời rọi khắp các cành cây.

Sung Mỹ làm Bonsai

Thông thường cây kiểng, bonsai thì cần gốc to, cây thấp, cành nhánh cân đối, cây mang nhiều trái. Có nhiều cách để tạo được dạng bonsai:

Bứng các gốc Sung ta ở dưới đất lên, gốc to sẵn, cho vào chậu, tùy đường kính chậu, trung bình từ 80 – 100cm, chiểu cao thân Sung khoảng 1,2m trở lại. Cắt tỉa bớt cành nhánh, sau 2 tháng, chọn các nhánh to bằng cây bút chì để ghép, có thể ghép 10 – 20 cành Sung ta bằng mắt ghép Sung Mỹ.

Sung Mỹ Bon Sai
Sung Mỹ Bon Sai

Khi ghép cây ở vườn ươm được 5 – 6 tháng (chiều cao cây ghép được 50 – 70cm, đường kính gốc 3 – 4cm) thì cắt ngang thân (tính từ nơi ghép lên phải có khoảng 3 – 4 chồi ngủ). Sau 2 – 3 tháng, chúng ta tạo dáng cây, có thể tỉa, hoặc dùng dây thép để quấn cành, ức chế sự phát triển mạnh của nhánh. Cây Sung Mỹ là cây cho quả quanh năm. Các chậu bonsai Sung Mỹ tạo dáng đẹp, cho quả sai và màu sắc hấp dẫn làm cho giá trị của cây tăng lên rất nhiều.

Sâu bệnh của cây Sung Mỹ

%Bệnh rỉ sắt (fig rust) do nấm Cerotellum fici gây nên, nó tấn công vào mặt dưới lá, tạo nên các đốm màu vàng xanh nhỏ, dẫn đến sự rụng lá sớm. Để phòng trị nên phun Kasuran, các chế phẩm có chứa đồng (Cu)…Phun mỗi tuần một lần.

Rệp sáp: Chúng có 1 lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài, to độ 1 – 2mm, Khi bóp lớp vỏ vỡ ra có chất như máu. Rệp sáp thường bám trên thân, cuống lá, quả Sung. Khi phun thuốc, chúng không chết ngay nhưng 5 – 7 ngày sau sẽ chết và khô đi. Các thuốc trừ sâu thông thường đều sử dụng tốt với rệp sáp như Sherpa Trebon, Supracide…

Bọ cánh cứng: Chủ yếu tấn công trên quả Sung chín, khi quả sung chín hoặc gần chín, chúng có mùi thơm, do vậy bọ cánh cứng thường bám vào để đục khoét quả Sung; cách để phòng là không nên để quả sung quá chín, phun thuốc một tuần trước khi thu hoạch bằng Sherpa hoặc Trebon.

Các phương pháp nhân giống sung Mỹ

Nhân giống sung Mỹ bằng cách nuôi cấy mô

Ưu điểm phương pháp nuôi cấy mô


  • Tạo ra số lượng lớn cây con trong một thời gian ngắn.
  • Qui trình nhân giống trong phòng thí nghiệm đơn giản.
  • Cây con chuyển ra vườn ươm có tỉ lệ sống cao 80 – 90%.

Cây trồng ngoài đồng ruộng phát triển rất nhanh, sau 3 – 4 tháng có thể đạt đến 1m chiều cao và bắt đầu cho trái.

Nhược điểm phương pháp nuôi cấy mô

Do rễ bàng nên cây thích nghi yếu với các loại đất xấu (đất sét, đất thịt), Cây đẻ nhánh rất chậm, dù có xử lý tía ngọn thường xuyên. Năng suất trái không cao.

Phương pháp nhân giống sung Mỹ bằng cách chiết cành

  • Tỉ lệ sống cao nhất là chiết vào mùa mưa
  • Hệ số nhân không cao
  • Giống như cây cấy mô, do rễ bằng nên sự thích nghi với thổ nhưỡng khác nhau rất yếu, năng suất quả thấp.

Phương pháp nhân giống sung Mỹ bằng cách giâm cành

Cây Sung Mỹ có thể nhân giống bằng giâm cành, có thể sứ dụng kích thích tố (NAA 20 mg/1 nước) hoặc không xử lý kích thích tố thì cây Sung Mỹ cũng có thể nhân giống bầng giâm cành, tỉ lệ ra rễ khá cao 60 – 70%.

Sự phát triển của cây Sung Mỹ bằng giâm cành ngoài đồng ruộng cũng giống như chiết cành.

Phương pháp nhân giống sung Mỹ bằng cách ghép mắt

Ghép hình chữ nhật: dành cho gốc sung to

Ghép chữ T: dành cho gốc Sung nhỏ, đường kính bằng cây bút chì.

Tỉ lệ sống có thể đạt từ 90 – 95%, có thể quanh năm. Sau khi ghép 4 – 5 tháng là có thể mang đi trồng được, chiều cao cây Sung ghép lúc bây giờ là 50 – 70cm.

Như đã trình bày ở trên, việc nghiên cứu các gốc ghép khác nhau của họ Sung (Moraceae) như cây Vả, cây Ngái, cây Óc chó, cây Sung ta. Chúng tôi phải mất gần 3 năm mới tìm ra gốc phép phù hợp, dựa vào tỉ lệ sống của mắt ghép, sự hàn dính hoàn toàn giữa gốc ghép và chồi ghép, sự thích nghi của cây được ghép trên nhiều loại đất khác nhau, tốc độ tăng trưởng của cây được ghép, năng suất quả, chất lượng quả. Từ các yêu cầu nêu trên, chúng tôi đã thành công trong việc chọn gốc ghép của cây Sung Mỹ là cây Sung ta vì nó đã đáp ứng hầu như các yêu cầu nêu trên.

Trong thời gian nghiên cứu giống Sung Mỹ, chúng tôi có du nhập thêm một giống Sung từ Pháp 1999. Giống này có tốc độ phát triển rất nhanh sau khi ghép, lá to và dày hơn lá Sung Mỹ, thời gian cho quả củng nhanh hơn (2 – 3 tháng sau khi ghép). Cây cho quả rất nhiều.

Nhưng qua theo dõi một thời gian ở Việt Nam, cây cho quả đều rụng, vì chúng cần một loại ong đặc biệt để thụ phấn gọi là Ong bắp chày (Blastophage psenceh)

Tuy nhiên, trong tháng 5/2002, bất ngờ có một cây trong số 100 cây Sung Pháp trồng trong vườn lại phát triển cho trái to ra và chín có màu vàng (10 quả), khi ăn thì rất ngọt và thơm. Từ đó, chúng tôi nghĩ rằng ở vùng này có thể có một loài ong khác có thể thay thế ong Bắp chày đế giúp thụ phấn quả sung Pháp nhưng số lượng ong chưa nhiều vì số quả Sung trong vườn cũng chưa nhiều lắm nên chưa thu hút được loại ong phù hợp. Chúng tôi tiếp tục theo dõi sự phát triển, sự đậu quả, sự thụ phấn của quả Sung Pháp vì đây là một giống rất quí.

Thu hoạch sung Mỹ

Ở TP. HCM, đến mùa thu hoạch, hầu như quanh năm, cây Sung Mỹ đều cho trái nhưng tập trung nhiều nhất là tháng 11 đến tháng 5. Đối với Sung Mỹ, khi quả vừa chín nghĩa là quả đối từ màu đỏ sang hơi tím là hái ngay, không để quá chín, thu hoạch bằng tay, hái luôn cuống quả (nắm vào cuống chứ không nắm quả vì sợ dập, xây xát qua). Khi hái xong để từng lớp nhẹ nhàng chồng lên nhau trong rổ hoặc thúng, để ở nhiệt độ bình thường, mát mẻ. Nếu cần bảo quản quả tươi lâu hơn, nên để vào tủ lạnh nhiệt độ 1 – 4°c; với nhiệt độ này, quả Sung có thể bảo quản trong 1 tháng.

Chế biến Sung mỹ

Ngoài việc tiêu thụ tươi, quả Sung Mỹ còn được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau như mứt sung, nước giải khát Sung; nhưng phổ biến nhất là Sung Mỹ sấy khô.

Chúng ta có thể sấy khô dưới ánh nắng mặt trời; khi ấy cần tránh bụi, ruồi nhặng bám vào quả, nhưng tốt nhất là sấy ở tủ sấy 60 – 70°c, cho tới khi độ ẩm còn lại gần 20% là được.

Sau khi sấy khô, quả Sung được cho vào túi nylon sạch, hàn kín lại hoặc trong những lọ thủy tinh có nắp đậy và có thể sử dụng lâu dài (1 – 2 năm) nếu chưa mở nắp ra.