Kỹ thuật giâm cành nhân giống cây
Phương pháp giâm cành dựa trên khả năng hình thành rễ, bất định một đoạn cành đã cắt rời khỏi thân mẹ (hoặc các đoạn rễ). Nhờ các tiến bộ kỹ thuật mới, ngày nay người ta đã ứng dụng rất thành công phương pháp giâm cành đối với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, hoa và cây cảnh…
Nội dung trong bài viết
- Nhà giâm cành
- Kỹ thuật giâm cành
Ưu điểm: Có nhiều cây con cùng một lúc mà không ảnh hưởng nhiều đến cây mẹ. Giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ. Cây sớm ra hoa có quả, chất lượng vườn cây đồng đều. Có thể dùng phương pháp giâm cành để nhân các gốc ghép.
Nhược điểm: Đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn là chiết cành, gieo hạt; phải có một số trang thiết bi cần thiết, và sau khi ra rễ phải tiếp tục chăm sóc thêm một thời gian mới có thể đem ra trồng vào vườn sản xuất được.
Nhà giâm cành
Địa điểm đặt nhà giâm cành nên thoáng mát, kín gió và trao đổi không khí tốt, nền đất cao ráo. Bố trí giâm cành gần khu vực ra ngôi cây con.

giâm cành
Nếu có điều kiện thì nên dùng khung nhà cơ động (khung sắt hoặc nhôm). Ngoài ra có thể dùng khung tre, hoặc chỉ cắm cọc, che cót. Trong điều kiện của nước ta nhà giâm cành lợp giấy pôlyêtylen xung quanh che cót là rất thích hợp. Quy cách, kích thước cho một vườn ươm nhỏ: chiều rộng từ 2,5 – 4m; dài 5 – 10m; chiều cao 1,6 – 1,8m; chiều cao 2 bên sườn mái chỉ cần 0,8 – 1m, củng có thể thấp hơn. Nền nhà hoặc chia thành các luống bằng phẳng, đất mịn. Khoảng cách giữa các ô gạch 30 – 40cm để đi lại cắm cành, tưới nước dễ dàng. Nền giâm nên dùng cát sạch hoặc nếu ở vùng đồi đất ferarit đỏ vàng thì lấy đất cát sâu từ 10 – 20cm, hoặc 2/3 cát sạch với 1/3 đất than bùn (ở chân các núi vùng trung du hoặc vùng mỏ).
Dụng cụ để tưới ẩm có thể là máy phun mù hoặc bình bơm phun thuốc trừ sâu rửa thật sạch.
Kỹ thuật giâm cành
Thực hiện nhân giống chọn những cành bánh tẻ, non hơn hoặc già hơn phụ thuộc vào chủng loại cây ăn quả, nói chung nên chọn những cành đã thành thục ra trong năm, chọn những cành lưng chừng tán, những cành ở ngoài tán có nhiều ánh sáng, ở cấp cành cao, những cành không mang hoa, mang quả và vừa mói ổn định sinh trưởng chưa lâu. Không lấy các cành có sâu bệnh.
Cắt cành vào thời gian không có nắng trong ngày: sáng sớm hoặc chiều tối. Cành cắt xong cần được phun nước cho ướt lá rồi dựng đứng vào trong xô hoặc thùng có 5 – 7cm nước sạch. Sau đó đậy lại bằng một tấm vải màu tối đã thấm ướt, để ở trong phòng thoáng mát. Cành được cắt thành từng đoạn 5 – 7cm, có từ 2 – 4 lá, tuỳ diện tích của lá.
Đối với những cây dễ ra rễ như chanh ơrêka, chanh ta, roi, dâu ăn quả…sau khi cắt có thể cắm thẳng vào nền giâm, tuy nhiên nếu được xử lý bằng các chất điều tiết sinh trưởng cây sẽ ra rễ nhanh hơn, nhiều hơn, có tỷ lệ cây xuất vườn cao hơn. Đối với các cây khó ra rễ như vải, nhãn, hồng xiêm, trứng gà, táo ta, ổi…nhất nhiều phải được xử lý bằng các chất điều tiết sinh trưởng như αNAA, IBA, GA.
Nhúng từng cành hoặc 20 cành một lần ngập gốc 1 – 2cm vào dung dịch chất điều tiết sinh trưởng 5 – 10 giây sau đó cắm vào vườn giâm. Khoảng cách và mật độ cắm cành phụ thuộc vào cành to hay nhỏ, tuỳ thuộc vào thời vụ: cành to thì cắm thưa, cành nhỏ cắm dày; mùa đông cắm dày hơn mùa hè.
Suốt thời gian từ sau khi cắm cành đến lúc cây ra rễ phải duy trì độ ẩm không khí trên mặt lá 90 – 100%,độ ẩm đất nền giâm khoảng 70%. Nhiệt độ không khí cho quá trình ra rễ của nhiều loại cây ăn quả là 21 – 26°C, nhiệt độ đất cao hơn 25 – 30°C. Ánh sáng trong nhà giâm là ánh sáng tán xạ. Tránh ánh sáng trực xạ, có cường độ quá cao.
Có 2 thời vụ giâm cành tốt: Vụ xuân 10/2 – 20/4 và vụ thu 20/9 – 20/10. Tuy nhiên cũng có nhiều loại cây có thể ra rễ trong vụ hè. Những cây ăn quả nhiệt đối giâm cành vào vụ đông gặp nhiệt độ thấp, khí hậu hanh khô nên rất khó ra rễ.
Khi rễ cành giâm đã mọc đủ dài và hơi chuyển màu từ trắng sang vàng thì phải ra ngôi kịp thời. Trường hợp ở dưới lớp cát có rải hỗn hợp các chất dinh dưỡng có thể để cây con lâu hơn rồi mới ra ngôi cũng được. Ra ngôi cây con ở vườn ươm hoặc trong túi bầu PE.
Đất ở luống vườn ươm cây ra ngôi làm như đất gieo hạt. Không nên bón lót sớm, chỉ cần bón thúc khi đợt mầm đầu tiên đã ổn định sau khi ra ngôi cây con từ 20 ngày đến 1 tháng. Tưới thúc nước phân chuồng ủ pha loãng hoặc phân khoáng. Lần đầu pha nồng độ 1/200 sau đó tăng dần 1/100. Có thể dùng 600g urê + 400g supe lân + 700g clorua kali pha trong 200 – 400 lít nước tưới cho 200 – 400m2 vườn ươm. Nêu dùng nước phân chuồng thì lúc đầu pha loãng về sau càng ngày càng đặc dần lên. Các khâu chăm sóc khác giống như phần gieo hạt.
Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn: Chiều cao cây 40 – 60cm, có 2 cành cấp I trở lên, đường kính gốc cành 0,5 – 0,6cm. Cây con trong vườn ươm cần được bấm ngọn, tỉa cành, tạo tán, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và tưới nước chống hạn.