Just another WordPress site

Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên đàn vật nuôi dịp cuối năm

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn heo trên toàn tỉnh khoảng 2,56 triệu con, tăng 5,45%; đàn gia cầm 27,5 triệu con, tăng 5,51% (gà 26,1 triệu con, tăng 6,04%); đàn trâu bò gần 92,86 ngàn con, tăng 0,3%.

Là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, toàn tỉnh Đồng Nai có tổng đàn chăn nuôi heo, gia cầm lớn nhưng vẫn kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Đồng Nai vẫn tiếp tục tập trung thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi.

Ngành Nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục tập trung thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: MS. 

Ngành Nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục tập trung thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: MS. 

Do tình hình dịch bệnh từ đầu năm đến nay xảy ra trên đàn vật nuôi trên nhiều vùng cả nước vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những ngày tháng cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra cao và lây lan trên diện rộng.

So với cả nước, Đồng Nai tuy có tổng đàn chăn nuôi lớn nhưng kiểm soát tốt, hạn chế không để dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng ở đàn vật nuôi. 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, đã tiêu hủy 4,4 ngàn con vịt ở 2 huyện Trảng Bom và Cẩm Mỹ.

Toàn tỉnh cũng chỉ có 5 hộ nuôi bị dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tiêu hủy 64 con heo. Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 2 hộ trên địa bàn huyện Định Quán với 2 con bò bị bệnh. Dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 3 hộ trên địa bàn huyện Nhơn Trạch với 11 con bò bị bệnh.

Nhìn chung, quy mô và phạm vi dịch bệnh trên vật nuôi có giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Các ổ dịch tả heo châu Phi cũng như dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, công tác phòng, chống dịch trên vật nuôi, trong đó có dịch cúm gia cầm đã được các địa phương chủ động triển khai từ đầu năm. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cũng còn một số khó khăn, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường còn rất hạn chế về kiến thức, nhận thức an toàn sinh học làm rủi ro xuất hiện dịch bệnh và trở thành nguồn lây lan. 

Đồng Nai tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch cúm cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh trong thời điểm cuối năm 2022. Ảnh: MS. 

Đồng Nai tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch cúm cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh trong thời điểm cuối năm 2022. Ảnh: MS. 

Theo Cục Thú y, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay, nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên phạm vi rộng là rất cao.

Đặc biệt, dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người. Vì kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi… còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương. Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên cả nước là rất lớn. Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh.

Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030; ban hành Kế hoạch năm 2022 của Sở về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và giám sát dịch bệnh gia súc gia cầm và thủy sản.

Do đó, trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm gia cầm, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND các địa phương trong tỉnh và các đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm 2022.

“Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, chăn nuôi an toàn sinh học. Tổ chức thực hiện tốt việc kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi gắn với công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở không chấp hành quy định. Quản lý về hoạt động chăn nuôi, sắp xếp giết mổ, chăn nuôi an toàn là điều kiện để thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi cũng như xử lý khi xảy ra dịch bệnh”.