Gà đẻ trứng như thế nào
Động tác đẻ trứng
Động tác đẻ trứng là quá trình phản xạ phức tạp. Những xung động từ thụ cảm do kích thích của trứng lên niêm mạc âm đạo làm cho cơ âm đạo và tử tung co bóp mạnh đẩy trứng qua ổ nhớp âm đạo, trứng qua lỗ huyệt ra ngoài.
Nội dung trong bài viết
- Động tác đẻ trứng
- Điều hoà quá trình tạo trứng và đẻ trứng
Điều hoà co bóp tử cung và âm đạo là thần kinh giao cảm, phó giao cảm và cả kích thích bằng axetylcolin, hixtamin Ngoài ra còn một số bormon như oxytoxin, adrenalin cũng kích thích co bóp tử cung và âm đạo của gà. Hormon của nang trứng cũng tham gia vào sự điều chỉnh đẻ trứng.
Chu kỳ đẻ trứng: Đẻ trứng là bản năng của loài chim, chim rừng thể hiện rõ tính chu kỳ theo mùa phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại cảnh… Nhưng gà công nghiệp qua chọn lọc đã khắc phục được bản năng này, không đòi ấp và đẻ liên tục. Mặt khác do điều chỉnh chế độ nuôi dưỡng để duy trì được sản lượng trứng cao trong thời gian dài, có khả năng đẻ trên 300 trứng/năm/mái.
Sơ đồ điều tiết hormon của quá trình tạo trứng và rụng trứng
Gà nhà, thậm chí cả gà công nghiệp đẻ 2 hoặc 3 trứng liền sau đó nghỉ đẻ 1 – 2 ngày (đẻ cách nhật) gọi là chu kỳ đẻ trứng. Độ dài, ngắn của chu kỳ đẻ phụ thuộc vào thời gian hình thành 1 quả trứng, ở gà đẻ hình thành 1 quả trứng là 24 – 48 giờ (trung bình 25 giờ).
Nếu trứng hình thành trong vòng 24 giờ thì chu kỳ đẻ có thể 5 – 6 trứng hoặc hơn, kỷ lục là 25 trứng/1 chu kỳ. Qua thực tế, nếu gà đẻ trước 10 giờ hôm trước thì hôm sau cũng đẻ vào giờ đó hoặc muộn hơn, nhưng đẻ vào buổi chiều (3 – 4 giờ) thì hôm sau không đẻ – đẻ cách nhật.
Chu kỳ sinh học đẻ trứng là thời kỳ từ lúc đẻ quả trứng đầu tiên đến khi thay lông, trong thời gian thay lông ở gà đẻ giảm còn 30 – 40% (cả đàn), còn vịt ngừng đẻ toàn đàn, hoặc chỉ lẻ tẻ vài con đẻ trong đàn. Sau khi thay lông, sản lượng trứng lại được khôi phục ở chu kỳ sinh học thứ 2, trong nhân dân gọi là mái 2 rồi mái 3 (đối với vịt). Nhưng sản lượng trứng ở chu kỳ sinh học thứ 2, 3 thường thấp hơn chu kỳ đầu, tuy khối lượng trứng lớn hơn.
Thường chu kỳ sinh học kéo dài trên dưới 12 tháng đẻ… Một chu kỳ đẻ của vịt có tới 120 – 180 trứng, gà tây 100 – 150 và ngỗng 50 – 80 quả.
Điều hoà quá trình tạo trứng và đẻ trứng
Sự phát triển và chúc năng của các cơ quan sinh sản của gà mái được đièu khiển bằng cơ chế thần kinh – hormon (thần kinh – thể dịch) phức tạp, dưới ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh. Tác nhân kích thích đầu tiên tới sự phát triển hệ thống sinh dục ở gia cầm là các hormon hướng sinh dục từ tuyến yên, tiếp đó FSH kích thích nang trứng sinh trưởng phát triển và LH kích thích trứng tăng trưởng nhanh đến chín và rụng. Đồng thời nang trứng tiết oestrogen kích thích sự tăng trưởng và hoạt động của ống dẫn trứng – tăng nhu động, chuyển trứng dọc ống dẫn. Tuyến yên tiết oxytoxin thúc đẻ và prolactin ức chế hormon FSH và LH. Sau khi trứng rụng, bao noãn co lại (vỏ tế bào trứng) tiết ra progesteron duy trì hình thành trứng ở ống dẫn và trạng thái hoạt động của nó.
Vào thời kỳ đẻ trứng, tuyến yên tiết oxytoxin, hormon này kích thích co bóp các cơ trơn của thành ống dẫn trứng và tử cung.
Điều chỉnh nhịp nhàng chức năng bộ máy sinh sản được duy trì nhờ có mối liên hệ khăng khít giữa tuyến yên và vùng dưới đồi thị.
Khả năng đẻ trứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giống, tuổi đẻ, trạng thái sinh lý, đặc điểm cá thể, điều kiện nuôi dưỡng và ngoại cảnh.
Trong yếu tố môi trường thì ánh sáng có ảnh hưởng nhất đến điều kiện phát triển và chức năng sinh dục. Ngày, độ dài và cường độ chiếu sáng ảnh hưởng rõ rệt đến cường độ đẻ trứng. Vịt Bắc Kinh trong điều kiện ánh sáng tự nhiên phải trên dưới 240 ngày tuổi mới đẻ quả trứng đầu tiên, còn nuôi trong điều kiện bổ sung ánh sáng đạt 16 giờ chiếu sáng/ngày thì chỉ 135 ngày tuổi đã đẻ. Ngỗng rút ngắn thời gian thành thục khi nhận thòi gian chiếu sáng 13 giờ/ngày. Dùng ánh sáng nhân tạo bổ sung thì gà và gà tây đẻ sớm. Tuy vậy việc đẻ sớm có điều bất lợi là gà chưa đạt khối lượng cơ thể (chưa hoàn chỉnh về thể vóc) nên đẻ trứng bé, chu kỳ đẻ sinh học ngắn, kết thúc đẻ sớm, dẫn đến năng suất kém. Vì vậy trong chăn nuôi gia cầm công nghiệp phải hạn chế thức ăn, hạn chế chiếu sáng, kéo dài tuổi thành thục vè tính và thể vóc ở mức cho phép, thí dụ: gà hướng trứng khi đạt khối lượng 1259g đối với con mái và 1450 – 1500g đối với con trống 133 ngày tuổi. Gà đẻ trứng giống thịt như gà ISA, AA… phải nuôi hạn chế thức ăn đến 140 ngày tuổi, khối lượng sống đạt trung bình 2150g đối với con mái, 2500g đối với con trống, sau đó mới cho ăn tăng thức ăn để thúc đẻ. Thực hiện chế độ nuôi dưỡng như vậy đối với gà dò có ảnh hưởng tốt đến sức sản xuất của chúng – sản lượng trứng đạt cao, khối lượng trứng lớn, đẻ kéo dài thêm 2 tuần, tỷ lệ ấp nở cao…
Vào thời kỳ đẻ trứng từ 141 ngày trở đi, ánh sáng tăng dần từ 12 đến 16 giờ chiếu sáng/ngày thì gà đẻ trứng nhiều hơn: gà Leghorn ở Việt Nam đạt 270 trứng mái/năm. Gà đẻ hướng thịt, gà BE, ISA, AA… 180 – 185 trứng/10 tháng đẻ (Trung tâm NCGC Vạn Phúc, 1995).
Vì vậy trong điều kiện nuôi công nghiệp, sự điều chỉnh chế độ ánh sáng cần được chú ý hơn, coi như là yêu cầu và điều kiện quan trọng đối với gia cầm để đạt năng suất trứng cao.