Đậu xanh là cây trồng quan trọng trong kinh tế nông nghiệp
Hiện nay đậu xanh là cây đậu đỗ quan trọng số một của Thái Lan và Philippin, là cây quan trọng số 2 của Sri Lanca, là cây quan trọng số 3 của Ấn Độ, Myanma, Bănglađét. Indônêxia. Đậu xanh cũng được trồng nhiều ở Oxtraylia, Trung Quốc, Iran, Kenva, Hàn Quốc, Malaxia, Peru, Hoa Kỳ, Các nước vùng Trung Đông.
Nội dung trong bài viết
Theo kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu và phát triển rau quả châu Á (AVRDC), hàng năm trên thế giới có ít nhất là 23 nước sản xuất đậu xanh, trong đó Ấn Độ, Thái Lan, Philippin, Banslađét là những nước có diện tích, năng suất và sản lương đậu xanh nhiều nhất. AVRDC cũng cho biết là diện tích, năng suất và sản lượng đậu xanh trên thế giới đang tăng qua các năm. Tiêu biểu cho sự tăng trưởng này là SriLanca, với tốc độ tăng trong thời gian từ 1965 – 1986 về diện tích là 30%, về nâng suất là 5,85% và về sản lượng là 38%.
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm của đậu xanh cũng đang tăng lên qua các năm. Ấn Độ năm 1965 mức tiêu thụ bình quân của 1 người dân trong một ngày là 1,72g, thì đến năm 1985 đã tăng lên đến 7,76 gam/người/ngày. Việc tăng nhu cầu sử dụng đậu xanh cũng tăng lên ở nhiều nước khác.
Đậu xanh là một trong những loại cây trồng truyền thống ở Việt Nam. Đậu xanh là một trong ba loại cây đậu đỗ chính: lạc, đậu tương, đậu xanh. Nông dân nước ta trồng đậu xanh với nhiều mục đích khác nhau: lấy hạt, làm cây phân xanh, cây cải tạo đất, chống xói mòn, v.v… Trồng đậu xanh đã trở thành tập quán ở nhiều vùng. Gần đây, do có những giống mới có năng suất cao, do nhu cầu thâm canh, cải tạo đất ngày càng cao, cho nên đậu xanh đang được phát triển rộng trong các cơ cấu cây trồng ở nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước.
Trên cơ sở các điều kiện khí hậu, thời tiết, địa hình, sinh thái, các vùng trồng đậu xanh ở nước ta đã được hình thành như sau:
+ Vùng núi phía Bắc: Vùng này gồm các tỉnh có trồng nhiều đậu xanh là: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Quảng Ninh. Đặc điểm chung của khí hậu vùng này là có mùa đông lạnh và khô hanh, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Các tháng còn lại là các tháng mùa mưa, với khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng.
Thời vụ đậu xanh thường được gieo trong các tháng 4 – 5, thu hoạch vào các tháng 7 – 8. Đậu xanh trồng ở vùng này ít được thâm canh. Năng suất trung bình là 600 – 700 kg/ha.
+ Vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Đặc điểm của vùng này là áp dụng các quá trình canh tác thâm canh, tăng năng suất, tăng vụ, thực hiện hệ thống luân canh 3 – 4 vụ/năm.
Đậu xanh ở vùng này được gieo trồng từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm nhưng tập trung chủ yếu vào 3 vụ chính là:
Vụ Xuân: gieo vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.
Vụ Hè – Thu: gieo vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Vụ Thu – Đông: gieo vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Đậu xanh trồng ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ thường được chăm sóc đầy đủ hơn, thâm canh cao hơn, được tưới tiêu tốt hơn vì có hệ thống thủy lợi tưới tiêu tương đối phát triển. Tuy nhiên, ở vùng này đậu xanh trồng trong vụ Xuân dễ bị đổ ngã và bị úng ngập do mưa bão. Vụ Thu Đông thường gặp nhiệt độ thấp ở giai đoạn quả chín. Đó là những hạn chế của việc phát triển sản xuất đậu xanh ở vùng này. Năng suất đậu xanh trung bình ở vùng này là 8 – 10 tạ/ha.
+ Vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đây là vùng có diện tích trồng đậu xanh lớn và hàng năm đạt sản lượng cao. Đậu xanh được trồng 2 – 3 vụ trong 1 năm. Chủ yếu là trồng thuần.
Vùng này ít chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh. Mùa mưa và mùa khô được phân chia rõ rệt cho nên thuận lợi cho việc trồng đậu xanh quanh năm (trừ mùa khô). Đậu xanh có triển vọng phát triển mạnh ở vùng này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho việc phát triển đậu xanh là vụ Hè – Thu, vào thời kỳ quả chín và thu hoạch, thường gặp mưa bão, gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng và làm giảm phẩm chất hạt.
+ Vùng Đông Nam Bộ. Cây đậu xanh ở vùng này có diện tích lớn nhất, chiếm 26% diện tích gieo trồng đậu xanh của cả nước. Tuy nhiên năng suất trung bình của đậu xanh không cao, chỉ đạt 500 kg/ha. Nguyên nhân là do sử dụng các giống đậu xanh cũ, năng suất thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém, không có điều kiện để thâm canh tăng năng suất.