Just another WordPress site

Đặc điểm sinh sản của cua xanh trưởng thành

Cơ quan sinh sản của cua

– Ở cua đực:

Nội dung trong bài viết

  • Cơ quan sinh sản của cua
  • Tập tính sinh sản
    • Mùa vụ di cư đi đẻ
    • Lột xác giao vĩ
    • Sự phát triển buồng trứng
  • Đẻ trứng
  • Sự phát triển của phôi

Buồng tinh màu trắng nhạt nằm trong phần đầu ngực của cua đực, sản sinh ra tinh trùng. Hai ống dẫn tinh dài, cuộn lại nối với 2 nhánh của buồng tinh. Ống thoát tinh là phần ống dẫn tinh nối với lỗ thoát tinh. Trong ống thoát tinh chứa tinh nang. Lỗ thoát tinh nằm ở gốc đôi chân ngực 5 để tinh nang thoát ra khỏi cơ thể cua đực. Bên trong tinh nang chứa tinh trùng được tạo thành từ buồng tinh. Chân giao vĩ là chân bụng 1 và 2 tiêu biến thành dạng que cứng, tham gia vào quá trình chuyển tinh nang từ cua đực vào khu chứa tinh của cua cái.

Sơ đồ cơ quan sinh sản của cua đực

Sơ đồ cơ quan sinh sản của cua đực

– Ở cua cái:

Buồng trứng nằm ở phần đầu ngực, sản xuất ra các tế bào (hạt) trứng. Ống dẫn trứng ngắn, nối với lỗ thoát trứng. Có 1 đoạn ống phình to tạo thành khu chứa tinh nang từ cua đực chuyển sang. Hai lỗ thoát trứng nằm ở mặt dưới phần đầu ngực, được phần bụng gập lại che khuất. Bên ngoài có 4 đôi chân bụng có nhiều lông tơ để trứng bám vào sau khi được đẻ ra.

Sơ đồ cơ quan sinh sản của cua cái

Sơ đồ cơ quan sinh sản của cua cái

Tập tính sinh sản

Mùa vụ di cư đi đẻ

Cua sống, phát triển ở các vùng rừng ngập mặn. Đến độ tuổi 1 – 1,5 năm, chiều rộng mai từ 120 – 180 mm, cua thành thục và tham gia sinh sản. Trước mùa sinh sản, cua di cư ra vùng biển ven bờ để lột xác tiền giao vĩ và tiến hành giao vĩ. Sau khi giao vĩ, buồng trứng cua cái tiếp tục phát triển cho đến khi trứng chín, cua đẻ và ấp trứng. Trứng nở, ấu trùng rời khỏi cua mẹ để sống tự do. Ở vùng biển phía Nam, cua thường di cư từ tháng 7,8 và mùa sinh sản chính bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 1, 2 năm sau. Tuy nhiên, có thể có cua ôm trứng vào tháng 7, 8. Ở vùng biển phía Bắc, thường có cua ôm trứng vào tháng 4 – 7.

Lột xác giao vĩ

Trước khi lột xác giao vĩ khoảng 2 – 10 ngày, cua đực và cái sẽ ghép đôi với nhau. Cua đực ôm chặt lấy cua cái ở mặt lưng bằng càng và chân bò, kể cả khi di chuyển. Khi cua cái chuẩn bị lột xác (sau khoảng 3 – 4 ngày), cua đực buông cua cái ra và ở cạnh.

Cua đực ôm cua cái trước lột xác

Cua đực ôm cua cái trước lột xác

Cua cái vừa lột xác xong, cua đực liền ôm cua cái, áp sát mặt bụng vào nhau và gỡ yếm cua cái ra để giao vĩ. Khi giao vĩ, tinh nang của cua đực được chuyển vào khu nhận tinh của cua cái nhờ hoạt động của chân giao vĩ.

Cua cái và đực áp bụng vào nhau

Cua cái và đực áp bụng vào nhau

Thời gian giao vĩ kéo dài từ 5 giờ đến cả ngày. Sau khi giao vĩ, cua đực buông cua cái ra nhưng vẫn ở cạnh để bảo vệ cua cái còn yếu, vỏ mềm. Tinh nang được giữ trong cơ thể cua cái với thời gian dài để thụ tinh cho trứng khi cua đẻ.

Cua giao vĩ (cua đực ở trên cua cái)


Cua giao vĩ (cua đực ở trên cua cái)

Sự phát triển buồng trứng

Giai đoạn I: Buồng trứng chưa thành thục, dạng dải mỏng và trắng mờ. Đường kính hạt trứng khoảng 0.035 – 0,050mm

Buồng trứng cua giai đoạn I

Buồng trứng cua giai đoạn I  O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy

Giai đoạn II: Buồng trứng đang phát triển, có màu trắng nhạt hay trắng kem, dày 2 – 3mm, chiếm 1 – 2% diện tích của khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 0,045 – 0,1mm.

Buồng trứng cua giai đoạn II

Buồng trứng cua giai đoạn II O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy Cs: Tim-dạ dày

Giai đoạn III; Buồng trứng tiền trưởng thành, có màu vàng nhạt hoặc vàng sáng, dày 3 – 7 mm và chiếm 10 – 20% diện tích của khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 80 – 150μm.

Buồng trứng cua giai đoạn III

Buồng trứng cua giai đoạn III O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy Cs: Tim-dạ dày

Giai đoạn IV: Buồng trứng sắp trưởng thành, có màu vàng đến cam, nở rộng, dày 7 – 12 mm và chiếm 20 – 75% diện tích khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 0,12 – 0,2mm.

Buồng trứng cua giai đoạn IV

Buồng trứng cua giai đoạn IV O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy

Giai đoạn V: Buồng trứng thành thục, có màu vàng cam đến cam đỏ, dày 10 – 20mm và chiếm hơn 75% diện tích của khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 0,15 – 0,25mm và có thể nhìn thấy hạt trứng. Có thể nhìn thấy màu vàng từ phía sau giữa mai và yếm. Cua sẵn sàng đẻ trứng.

Buồng trứng cua giai đoạn V

Buồng trứng cua giai đoạn V O: Buồng trứng

Đẻ trứng

Khi trứng chín, cua cái tìm đến vùng nền đáy cát, cát bùn để đẻ. Trước khi đẻ khoảng 1 ngày, cua vệ sinh vùng ấp trứng bằng cách mở yếm và dùng các chân bò lấy các vật bẩn ra ngoài. Cua thường đẻ khoảng 17 – 24 giờ tùy theo nhiệt độ nước.


Khi đẻ, cua vùi mình vào cát, nâng phần đầu ngực, mở yếm, các chân bụng dựng đứng lên. Trứng qua ống dẫn trứng, thụ tinh với tinh trùng và được đẻ vào cát.

Thời gian đẻ khoảng 30 – 120 phút. Sau đó, cua cử động yếm, thu trứng vào bám trên các lông tơ của chân bụng. Trứng mới đẻ có kích thước khoảng 0,3mm, bám vào lông tơ, liên hệ với cơ thể mẹ qua cuống trứng nên trứng tự do và không dính vào nhau.

Cua đẻ

Cua đẻ

Trứng không thụ tinh thường không bám vào lông tơ mà nằm ở đáy. Cua cái 300g có thể đẻ và  mang hơn 1 triệu trứng. Trong mùa sinh sản, một cua mẹ có thể đẻ đến 3 lần, cách nhau khoảng 30 – 40 ngày.

Cua mẹ ôm trứng thường ở gần bờ, có độ mặn và nhiệt độ nước tương đối ổn định.

Sự phát triển của phôi

Sau khi hoàn tất quá trình đẻ khoảng 15’, trứng được cua mẹ thu vào mặt trong của yếm, bám vào lông tơ của các đôi chân bụng để ấp.

Có thể đánh giá chất lượng trứng qua quan sát màu sắc trứng mới đẻ. Trứng có màu đỏ gạch, kích thước lớn là trứng được hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng tốt.

Trứng có màu vàng do mức độ hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng trung bình. Trứng có màu vàng nhạt là do cua mẹ đẻ lần 2,3.

Trong khoảng 3 – 5 ngày đầu, có sự phân chia tế bào của trứng. Trứng cua sắp xếp lại thành múi trong yếm. Theo sự phát triển của phôi, trứng chuyển từ màu vàng sang màu cam, xám, về sau chuyển thành màu đen và một thời gian ngắn sau ấu trùng sẽ nở.

Khi trứng ngả sang màu xám thì bắt đầu xuất hiện mầm chân và mắt. Trứng màu vàng Trứng màu cam xếp thành múi (sau đẻ 5 – 7 ngày) (sau đẻ 3 – 5 ngày)

Lúc đầu mắt có dạng mảnh dài màu sáng, đối xứng 2 bên, sau đó to dần và màu cũng đậm hơn.

Cuối cùng hình thành đôi mắt kép màu đen. Lúc này trứng có màu đen. Trứng tốt sẽ có màu đen bóng. Tim bắt đầu hoạt động, nhịp đập yếu và thưa. Về sau nhịp đập mạnh và tăng số lần đập lên. Vỏ đầu ngực, chân hàm phát triển, đốt bụng hình thành, cơ bắt đầu co bóp.

Ấu trùng phá màng vỏ chui ra ngoài bước vào thời kỳ Zoea. Điều kiện thuận lợi, cua ấp trứng tốt, phôi phát triển đồng đều, ấu trùng nở đồng loạt, khoảng 3 – 6 giờ thì xong.

Sau khi giải phóng hết ấu trùng, cua dùng các chân bò nâng yếm lên gẩy bỏ những vỏ trứng, trứng hỏng đi và đóng yếm lại.

Trong quá trình ấp, cua mẹ thường xuyên dùng các chân bò cho vào khối trứng để gẩy bỏ các trứng chết.