Công tác giống cây trồng
Công tác giống cây trồng có 3 công đoạn chính: tạo giống cây trồng, khảo nghiệm sản xuất thử và công tác hạt giống
Nội dung trong bài viết
- Tạo giống cây trồng
- Khảo nghiệm, sản xuất thử và công nhận giống
- Công tác hạt giống
Tạo giống cây trồng
Để phục vụ cho việc tạo giống theo những mục tiêu khác nhau cần phải sử dụng vật liệu khởi đầu để tạo nguồn biến dị. Nguồn biến dị trong chọn tạo giống bao gồm nguồn biến dị tự nhiên (quần thể tự nhiên) có: nguồn gen hiện có (cây dại, giống địa phương, tập đoàn giống cây trồng), thu thập nguồn gen, nhập nội gen và nguồn biến dị nhân tạo (quần thể nhân tạo) có: quần thể lai, quần thể đột biến, đa bội và do kỹ thuật di truyền tạo ra.

Sau khi sử dụng các phương pháp tạo biến dị, chọn lọc biến dị có lợi để tạo ra giống mới và đánh giá các giống này (so sánh sơ bộ, so sánh chính quy) ở cơ quan tạo giống, các giống mới sẽ được đăng ký khảo nghiệm giống Quốc gia hay khảo nghiệm giống tác giả. (Quy định về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng theo quyết định số 52/2003/QĐ-BNN ngày 02/04/2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT).
Khảo nghiệm, sản xuất thử và công nhận giống
Sau khi đăng ký, các giống mới được tham gia các hình thức khảo nghiệm. Giống phù hợp cho vùng nào đó sẽ được Bộ Nông nghiệp xét công nhận tạm thời (trước đây gọi là giống khu vực hóa) và cho sản xuất thử với quy mô quy định. Nếu kết quả sản xuất thử tốt, giống sẽ được công nhận chính thức (trước đây gọi là giống Quốc gia) và cho phép phổ biến ra vùng sản xuất thích hợp.
Công tác hạt giống
Công tác hạt giống ở đây gồm nhân giống, phục tráng giống, sản suất hạt giống lai F1, kiểm tra giống và chất lượng hạt giống, cung ứng hạt giống cho người trồng với các giống đã được công nhận chính thức. Công tác hạt giống với các giống chưa được công nhận chính thức do cơ quan nghiên cứu thực hiện, không đề cập trong hệ thống này.