Bệnh tụ huyết trùng ở bò sữa
Bệnh tụ huyết trùng ở bò sữa còn có tên là Bovine Heamorrhagic Septicemia
Nội dung trong bài viết
- Tình hình
- Nguyên nhân bệnh tụ huyết trùng ở bò sữa
- Bệnh lý và lâm sàng
- Bệnh lý
- Triệu chứng lâm sàng
- Bệnh tích
- Dịch tễ
- Chẩn đoán
- Điều trị
- Phòng bệnh
Tình hình
– Bệnh tụ huyết trùng ở bò sữa phân bố ở tất cả các nước trên thế giới. Bệnh thường xảy ra phổ biến ở trâu, bò, bò sữa ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh.
– Ở Việt Nam, từ lâu bệnh đã phát sinh thành các ổ dịch có tính địa phương trong đàn trâu, bò, trong đó có bò sữa ở nhiều tỉnh vào các tháng nóng ẩm từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.
Bệnh đã xảy ra ở đàn bò sữa xã Cự Khối và Trung tâm bò sữa Phù Đổng (2001).
Nguyên nhân bệnh tụ huyết trùng ở bò sữa
– Bệnh xảy ra do vi khuẩn tụ huyết trùng (Pasteurellla multocida, Pasteurellla heamolitica).
– Vi khuẩn nhỏ, hình cầu trực khuẩn: gram âm; khi nhuộm bắt màu hồng sẫm ở hai đầu vi khuẩn.
– Vi khuẩn nuôi cấy được trên các môi trường nhân tạo (thạch máu).
– Trong tự nhiên, vi khuẩn tồn tại được từ 1 – 2 tháng ở những nơi ẩm, nơi thiếu ánh sáng mặt trời.
– Trâu bò khỏe có tỷ lệ mang bệnh từ 3 – 5%, khi gặp các điều kiện không thuận lợi cho súc vật, vi khuẩn trở nên cường độc và gây bệnh.
Bệnh lý và lâm sàng
Bệnh lý
– Vi khuẩn vào cơ thể trâu bò gây ra viêm đường hô hấp cấp tính.
– Vi khuẩn vào máu gây nhiễm trùng huyết: độc tố của vi khuẩn gây nhiễm độc thần kinh và xuất huyết phủ tạng làm cho vật bệnh chết rất nhanh mà nông dân vẫn gọi là “bò đột tử”.
– Vi khuẩn cũng xâm nhập vào hệ thống hạch lâm ba, làm sưng hạch, phá hoại chức năng sản sinh bạch cầu.
– Đôi khi vi khuẩn gây ra viêm ruột cấp tính ở vật bệnh.
Triệu chứng lâm sàng
– Thời gian ủ bệnh ngắn: 6 – 24 giờ.
– Sốt cao ly bì từ 40 – 41,7°C, ăn ít hoặc bỏ ăn; chảy nước mắt; nước mũi.
– Hạch lâm ba dưới hầu, trước vai, trước đùi…sưng to.
– Thở nhanh, mạnh và khó khăn.
– Súc vật chết sau 2 – 4 ngày do nhiễm trùng huyết và suy hô hấp.
Bệnh tích
– Các phủ tạng: phổi, thận, gan, hạch lâm ba hầu và trước đùi, trước vai đều sưng to có tụ huyết và xuất huyết.
– Bao tim và xoang ngực thường chứa dịch vàng.
Dịch tễ
– Động vật mắc bệnh: trâu, bò và bò sữa, dê, ngựa, lợn ở các lứa tuổi đều bị bệnh, có thể lây bệnh cho nhau.
– Cách lây lan: Vi khuẩn từ súc vật bệnh thải ra môi trường qua dịch mũi, miệng, nước tiểu, phân. Súc vật khỏe ăn, uống phải vi khuẩn sẽ bị bệnh.
– Mùa phát bệnh: các tháng nóng ẩm từ mùa hè đến mùa thu.
Chẩn đoán
– Chẩn đoán lâm sàng: Căn cứ các biểu hiện: trâu bò sốt cao, sưng hạch hầu, thở khó và mổ khám súc vật bệnh có xuất huyết các phủ tạng.
– Chẩn đoán phòng thí nghiệm: Nhuộm tiêu bản tìm vi khuẩn từ bệnh phẩm, nuôi cấy, phân lập vi khuẩn trên các môi trường, tiêm truyền bệnh phẩm cho động vật: chuột bạch, chuột lang, thỏ…
– Chẩn đoán miễn dịch: làm các phản ứng huyết thanh miễn địch (ELISA, NT…)
Điều trị
Dùng kháng sinh: sử dụng 1 hoặc phối hợp 2 trong các kháng sinh sau:
– Streptomycin: 20 – 25 mg/kg thể trọng
– Kanamycin: 20 – 25 mg/kg/thể trọng.
– Oxytetracyclin: 20 – 25 mg/kg thể trọng.
Phối hợp với 1 trong các Sulfamid sau:
– Sulfathiazon: 20 – 25 mg/kg thể trọng.
– Sulfamerazin: 20 – 25 mg/kg thể trọng.
Trợ tim mạch:
– Tiêm Cafein hoặc spartein theo liều quy định.
– Tiêmvitamin B1, vitamin
– Truyền dịch: nước sinh lý mặn, ngọt: 1000 – 2000 ml/kg thể trọng, điều trị liên tục trong 4 – 5 ngày.
Phòng bệnh
– Sử dụng vacxin: có thể sử dụng 1 trong các vacxin: vacxin keo phèn; vacxin P52; vacxin nhũ hóa theo định kỳ 6 tháng/lần cho đàn trâu bò.
– Phát hiện sớm súc vật bệnh, cách ly, điều trị kịp thời.
– Thực hiện nghiêm ngặt biện pháp vệ sinh thú y chuồng trại và môi trường chăn nuôi.
– Kiểm dịch chặt chẽ khi xuất nhập trâu bò, đặc biệt là bò sữa.